Khoa Quản trị kinh doanh
 
Kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp xã hội - Bài học cho doanh nhân trẻ tương lai

Nhằm giúp sinh viên trau dồi kiến thức thực tiễn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai, ngày 3/5/2012 Khoa QTKD - Trường ĐHKT đã tổ chức chuyến đi thăm quan thực tế tại Công ty Phát triển Tây Bắc - TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho cán bộ và sinh viên lớp QH-2009-E chương trình NVCL.


Trong buổi làm việc với Đoàn cán bộ và sinh viên Khoa QTKD - Trường ĐHKT, chị Nguyễn Điệp Nữ, Phó giám đốc Công ty Tây Bắc - nữ doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 8x đã giới thiệu quá trình phát triển của công ty và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc quản lý một doanh nghiệp xã hội như công ty Tây Bắc. Tuy mới được thành lập năm 2009 từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu khá khiêm tốn của CSIP, đến nay công ty Tây Bắc đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm chổi chít không bụi, mặt hàng chính của công ty đã không chỉ khẳng định được thương hiệu tốt, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn tạo được uy tín với các bạn hàng quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Hiện nay Công ty có 5 xưởng sản xuất chổi chít chính với số lượng công nhân là 300 người, mỗi xưởng sản xuất trung bình 8 vạn cây chổi/tháng và thu nhập bình quân của người lao động là 2,5-3 triệu đồng/tháng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ban lãnh đạo công ty luôn nỗ lực cố gắng tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng tạo thêm công ăn việc làm giúp người lao động có thu nhập ổn định. Con số 3 tỷ đồng doanh thu mỗi năm vẫn còn khá khiêm tốn nhưng điều khiến sinh viên Khoa QTKD, Trường ĐHK ấn tượng là 80% lợi nhuận của công ty được dùng để giúp bà con dân tộc nghèo ở phường Chăm Mát, TP Hòa Bình phát triển sản xuất, chăn nuôi hộ gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua mô hình quỹ tín dụng nhân dân đồng thời công ty còn hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức đoàn, hội ở xã, phường mở các lớp tập huấn kiến thức về luật đất đai, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới cho các cán bộ thôn, xóm là người dân tộc thiểu số.

TS. Phạm Thị Liên và sinh viên đang trực tiếp phỏng vấn công nhân xưởng làm chổi chít

Những nỗ lực, đóng góp của công ty nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào người dân tộc thiểu số nơi đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt, số hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của công ty để phát triển sản xuất ngày một tăng lên không chỉ người dân ở phường Chăm Mát mà còn rất nhiều hộ nghèo của các xã phường khác trong thành phố cũng được tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn này. Sau buổi làm việc tại trụ sở, đoàn đã được hướng dẫn thăm quan 1 xưởng sản xuất chổi chít của công ty, tìm hiểu các quy trình sản xuất chổi chít không bụi và trò chuyện giao lưu với công nhân tại phân xưởng. Thay mặt lãnh đạo Khoa QTKD, TS. Phạm Thị Liên cảm ơn ban lãnh đạo công ty đã tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên học hỏi thêm kinh nghiệm xây dựng, phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cũng trong buổi giao lưu, TS. Phạm Thị Liên đã trao tặng cán bộ và công nhân phân xưởng quà lưu niệm. Kết thúc buổi giao lưu Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo công ty và các công nhân phân xưởng chổi chít. Chuyến đi không chỉ là 1 trải nghiệm thực tế mà còn giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức kinh doanh và những kinh nghiệm quí báu về cách thức quản lý mô hình doanh nghiệp xã hội.


Phạm Thu Hiền (Khoa QTKD) - Ảnh: Nguyễn Thành Tư (QH-2009-E QTKD)